Những người con xa xứ, dù sinh sống nơi đất khách quê người, vẫn luôn hướng về quê hương với tấm lòng đầy trắc ẩn. Khi miền Bắc chìm trong nước lũ sau trận bão Yagi, chuyến xe thiện nguyện từ các quốc gia châu Âu đã kịp thời mang đến những nhu yếu phẩm, những tấm lòng sẻ chia ấm áp, góp phần xoa dịu nỗi đau của đồng bào nơi đây.
Khi cơn bão lũ Yagi càn quét miền Bắc, nhiều người dân nơi đây rơi vào cảnh nhà cửa tan hoang, ruộng vườn mất trắng, nỗi lo lắng hiện rõ trên từng khuôn mặt khắc khổ. Trong bối cảnh đó, một nhóm thiện nguyện từ châu Âu, bao gồm những người Việt định cư tại Đức, Hà Lan, Tiệp Khắc, Áo, cùng một số bạn bè quốc tế, đã lên đường đến vùng lũ để giúp đỡ đồng bào.
Anh Markus, một người bạn Đức của nhóm, cùng hai chị em Việt kiều sống tại Đức đã vượt hàng nghìn cây số để có mặt trong đoàn thiện nguyện. Họ là những sứ giả đại diện cho cộng đồng người Việt và những mạnh thường quân từ nhiều quốc gia châu Âu, mang theo quỹ thiện nguyện với mong muốn chia sẻ phần nào những khó khăn, mất mát mà người dân đang phải gánh chịu.
Tôi không biết điều gì thôi thúc họ, những người con Việt sống tận trời Tây, vừa hạ cánh chiều hôm trước, sớm hôm sau đã có mặt ở những chuyến xe thiện nguyện. Họ mướt mải leo lên tận đỉnh đồi nơi nắng trưa đang ngả sang chiều.
Chúng tôi, những người bạn của họ, cùng chung một mong muốn giản dị nhưng đầy ý nghĩa: làm được điều gì đó để xoa dịu nỗi đau của đồng bào. Nếu bình thường, hành trình này có thể là cơ hội để thưởng ngoạn vẻ đẹp đồi núi trập trùng và dòng suối thơ mộng của miền Trung du. Nhưng không, họ lên đây với những nhu yếu thực phẩm cần thiết cho nơi đây. Những phong bì mang những tiền mồ hôi công sức chắt chiu của bà con Việt kiều xa đất nước.
Chúng tôi đi vào không gian rộng lớn giữa sự ngổn ngang tàn bạo, sự trừng phạt của mẹ thiên nhiên. Có lẽ chúng ta cũng phải ngồi lại, nhìn nhận lại vì sao người dân ở đây phải hứng chịu những hậu quả như vậy ?? Mất mát nhà cửa , ruộng vườn , những tài sản bao năm tích cóp của người dân và xã hội. Những đôi mắt thất thần, những gương mặt gầy gò xanh xao, hốc hác con người nơi đây bao đêm không ngủ để cào cấu lục tìm những người thân bị chôn vùi, tất cả đã vẽ nên một bức tranh đau lòng về sự khắc nghiệt mà thiên nhiên đã trút xuống nơi đây.
Những nỗi lo của các thầy cô khi điểm mặt thấy thiếu một vài em học sinh nào đó. Họ là những người bám trụ nơi đây đem ánh sáng tri thức cho thế hệ tương lai của đất nước trên các vùng cao. Chúng tôi rớt lòng cảm động tới nghĩa cử của các cô giáo các trường ở xã nhận nuôi cơm cho các bé hoàn cảnh chỉ để giữ được chân em tới lớp. Đồng lương 1 tháng của các cô chắc cũng chỉ nhỉnh hơn mâm cỗ thịnh soạn của người có tiền . Chẳng thể cầm nước mắt khi nhìn căn nhà bùn đất tràn vào ngập kín giường mùng màn vẫn đang căng mắc .
Một em bé, khi được hỏi về ước mơ của mình, đã lí nhí trả lời: “Em ước có được một cây đèn để đọc sách.” Ước mơ nhỏ bé ấy khiến tôi lặng người. Trong khi nhiều đứa trẻ khác có thể ước về điện thoại hay trò chơi điện tử, thì ở nơi đây, một cây đèn đọc sách lại là điều xa xỉ đến mức trở thành giấc mơ.
Chúng tôi tiếp tục hành trình qua những ngôi làng, những mái nhà đổ nát. Khi chúng tôi tới mấy bao lúa của dân để trong nhà không kịp giải cứu đã mọc thành những đám mạ non xanh mướt tức tưởi trong căn nhà gỗ. Không cần lòng khi những mái tóc bạc già nửa gục vào chúng tôi: “bà năm nay 80 rồi không nương tựa, nhà cửa đổ nát các con ơi …”. Nhìn vào cảnh đời ấy, tôi cảm thấy lòng mình nghẹn lại, xấu hổ khi nhận ra mình may mắn được nuông chiều bởi những vật chất đầy đủ, trong khi người dân ở đây phải đấu tranh từng ngày để sinh tồn.
Chúng tôi đi từng bước chân nhỏ, chậm rãi như thể nếu bước nhanh quá sẽ làm cho những đau thương bật trở lại. Tôi đi tiếp về phía mỏm đồi cao hơn nhìn xuống thung lũng. Phong cảnh làng quê trung du thoạt nhìn không có gì đặc biệt lắm. Những ngôi nhà gỗ nhỏ bé lẫn mình vào mầu nâu của đất khô, lẫn vào mầu trắng xám hơi hanh vàng của những triền đá nhô ra .
Những ngọn đồi phủ xanh có nham nhở những vết cào của Mẹ thiên nhiên khiến đất đồi chảy máu. Những cành cây khô nhằm nhở đất bám tới lưng chừng. Những buồng chuối, quả đu đủ lềnh bềnh giữa đám nước đục ngầu khắc khoải. Những đàn gà chen chúc với người dân trên những tấm gỗ gác chuồng trâu . Đàn bà, trẻ con, họ quây quần co cụm đùm bọc nhau như thế! Mong mỏi sự tương trợ từ bên ngoài . Bộ đội chính quyền cũng đã về giúp dân . Nhưng họ còn phải lo những điều vĩ mô hơn. Chính vì thế dân vẫn cần lắm những bàn tay của các nhà hảo tâm. Dân tộc mình có truyền thống tương thân tương ái. Lá lành đùm lá rách bao đời nay, những người con xa Tổ quốc cũng vậy, họ luôn đau đáu về dân tộ của mình. Đấy cũng là tấm gương lớn cho các thế hệ thứ hai nhớ về cuội nguồn. Quĩ tưong thân tương ái của các bạn về lần này cũng vậy . Có rất rất nhiều những đồng € đến từ thế hệ thứ hai, được sinh sống lớn lên học tập và đã ra đi làm là những kỹ sư bác sĩ. Thậm trí cả của các cháu nhỏ chưa làm ra tiền cũng bớt cái gọi là tiền túi bố mẹ cho để tiêu vặt cũng đóng góp vào quĩ này.
Cảnh tượng ấy gợi lên một cảm giác xót xa, một sự bất lực trước những đau thương quá lớn. Cơn xúc động kéo đến, và tôi ngồi xuống mép con đường gỗ, khóc. Tôi khóc cho nỗi đau của người dân nơi đây, Tôi khóc nỗi ước mơ của cậu bé tuổi lên 7 có đèn để học Tôi khóc nỗi sợ hãi trong bóng tối nghe đất nổ tung của người đàn ông khi nhìn thấy đất trườn vội vã hô bà con : chạy đi!. Tôi khóc nỗi nhớ ngôi làng cũ đầy thơ mộng trong các bức ảnh trước đây khi đất đai chưa xoá sổ một làng Tôi khóc nỗi thèm muốn một cái Tết bên cha mẹ đủ đầy của cậu bé mất cả gia đình… Tôi khóc những cảm xúc không gọi thành tên giữa không gian yên lặng bất tận giữa trưa nắng trên ngọn đồi phía sau làng Át Thượng … Những chuyến đi thiện nguyện thoạt đầu tôi tưởng là ít đặc sắc và không thú vị lắm nhưng hóa ra tôi đã nhầm…
Tôi biết, không chỉ tôi mà cả đoàn thiện nguyện đều cảm thấy xót xa và bất lực. Chúng tôi ước có thể làm nhiều hơn cho họ, nhưng đôi khi những gì chúng tôi mang lại vẫn chưa đủ để xoa dịu hoàn toàn nỗi đau của những người dân vùng bão lũ.