Nằm cách trung tâm thành phố Điện Biên khoảng 35 km, Na Ư là vùng biên giới giáp Lào với 100% đồng bào là người dân tộc H’Mông, khu vực đặc biệt khó khăn và được biết đến với cái tên “Bản chết”- một trong những điểm nóng về tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy bị phát hiện xử lý luôn đứng ở “Top” đầu trong các địa phương ở khu vực Tây Bắc.
Những bản án tử hình, án tù chung thân và truy nã đặc biệt nguy hiểm liên quan đến ma túy đã trở thành một vấn đề nhức nhối, đè nặng lên cuộc sống của nhiều gia đình và đặc biệt là trẻ em nơi đây. Những người lao động chính trong nhiều gia đình rơi vào vòng lao lý, đất đai hoa màu bị bỏ hoang không có người canh tác, kinh tế khó khăn, cuộc sống của nhiều đứa trẻ nơi đây rơi vào vòng quẩn quanh vô vọng: đói nghèo – thất học, và con đường tội phạm đe dọa chỉ nằm cách những ranh giới hết sức mong manh.
Được biết đến Na Ư từ rất lâu, ngay sau khi dịch bệnh tạm lắng xuống, chúng tôi lại tiếp tục ấp ủ những kế hoạch lên đường tìm đến giúp đỡ người dân nơi đây. Từ thành phố Điện Biên, sau hơn 1 giờ di chuyển bằng xe máy, chúng tôi có mặt tại xã biên giới Na Ư. Bảy điểm trường của trường Mầm non Na Ư nằm trải dài khoảng 10km, đường dốc quanh co và gấp khúc, càng vào các điểm trường sâu hơn thì sự khó khăn lại càng hiện hữu, đây cũng là nơi làm việc của các thầy cô giáo trẻ ngày ngày tận tâm với sự nghiệp gieo trồng những mầm xanh tri thức trên miền đất núi.
Cơ sở hạ tầng đã được Nhà nước đầu tư cơ bản, đường đi khá tốt nhưng vẫn còn thiếu thốn rất nhiều. Nơi nghỉ của các cô giáo nội trú là những chiếc chòi tồi tàn được dựng lên bởi những tấm gỗ cũ đã mục, chắn quanh bởi các Paner quảng cáo được xin về rào quanh, chống trọi đơn sơ cho đỡ mưa gió. Đứng bên trong phòng, chúng tôi vẫn có thể nhìn rõ phía ngoài trời qua các lỗ hổng, mưa thì gần như không có chỗ đứng, còn nắng thì trong phòng chẳng khác ngoài trời. Hàng ngày, các cô giáo phải vượt hơn 30 km để đến trường, đường đi vất vả như vậy nhưng không thể ở lại vì căn chòi không thể chịu đựng được mưa gió, chỉ cần có cơn mưa nhỏ là có thể thổi bay hết các tấm chắn. Lớp học của các em học sinh nơi đây dựng trên nền đất, chỗ ăn ngủ còn thiếu thốn, đồ dùng học tập chỉ có vô cùng sơ sài. Chỉ năm ngoái thôi, điểm trường mầm non Hua Thanh vẫn còn phải mượn tạm cái chuồng nhốt gia cầm và trâu bò của người dân để làm lớp học. Ban ngày thầy cô dọn phân chuồng đi, dải chiếu cho các em ngồi học, tối đến thì lại nhốt lợn gà. Nghe đến đây, cổ họng chúng tôi dường như nghẹn lại, không nói thành lời.
Chúng tôi được thầy cô đưa đi thăm một vài hộ gia đình khó khăn có học sinh đang học tại trường, được chứng kiến cuộc sống hàng ngày của các em thiếu thốn đủ thứ, từ bộ quần áo không đủ ấm, từ đôi chân trần không dép, đến bữa ăn được tính qua ngày. Gặp gỡ và tiếp xúc với người dân nơi đây chỉ trong một thời gian ngắn, tuy nhiên không khó để nhận thấy hệ lụy đau xót nhất của vấn nạn ma túy đã ảnh hưởng nặng nề đến từng nếp nhà, đặc biệt là thế hệ trẻ, trong đó có trẻ em đang ở tuổi đến trường.
Đến thăm trường cấp 1 và 7 điểm trường mầm non Na Ư, chúng tôi không khỏi xót xa khi nghe chia sẻ của thầy cô giáo về những hoàn cảnh khó khăn của các em học sinh nơi đây. Thầy Sơn, hiệu trường trường cấp 1, 2 chia sẻ: Trẻ em nơi đây phải tự lập một cách bất đắc dĩ từ rất sớm, có những em không còn bố mẹ, người thân chỉ có ông bà già yếu và trong gia đình có rất nhiều người nghiện ma túy. Có những em nhỏ gần như không có gì ăn trong những ngày không đến trường, thậm chí trong nhà không có lấy 1 cái bát hoặc cái xoong. Trong tuần đến lớp, các em còn được ăn no, ngoài ra thì các em cứ lang thang cho qua ngày như vậy. Nhiều em vừa là anh là chị, vừa phải thay bố mẹ chăm em còn đỏ hỏn hơi sữa khi mà cả bố mẹ đều vào tù vì buôn bán ma túy. Chính quyền địa phương cũng chỉ hỗ trợ được phần nào, còn lại bàn tay chăm sóc, yêu thương của người lớn là điều các em cần thiết nhất thì lại quá thiếu thốn.
Cứ như vậy, cuộc sống của các em nhỏ nơi đây lay lắt trong đói nghèo, giống như những nhánh cỏ dại ven đường vật lộn trong mưu sinh để tồn tại, bất cứ lúc nào cũng bị đe dọa bởi những hiểm họa, ranh giới mong manh giữa hy vọng vươn lên thoát khỏi đói nghèo và những khốn khó kéo sập con người vào sự cám dỗ của làn khói trắng. Thiết nghĩ, chỉ có con đường học tập tri thức mới có thể nâng cao nhận thức, giúp cho thế hệ trẻ nơi đây vươn lên thoát khỏi đói nghèo, tệ nạn, thay đổi cuộc sống và góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Mỗi trẻ em sinh ra đều xứng đáng được nhận niềm vui và nụ cười trên môi. Một thế hệ trẻ hạnh phúc sẽ có một đất nước giàu có và hạnh phúc. Chung tay giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Búp Măng Non rất mong muốn tiếp tục nhận được sự chung tay góp sức của các nhà hảo tâm để tiếp tục chia sẻ yêu thương, mang đến sự hỗ trợ thiết thực nhất cho các em học sinh nghèo xã Na Ư, Điện Biên.
Hãy cùng chúng tôi chung tay đem lại một hành trình đi tìm hạnh phúc cho trẻ em nghèo Vùng Cao Na Ư trong Chương trình Thiện Nguyện BMN14 Na Ư Chia sẻ yêu thương, Cùng em tới trường.
Mọi thông tin chi tiết về Thiện Nguyện Búp Măng Non vui lòng xem tại:
Website: https://bupmangnon.org
Faceboook: https://www.facebook.com/bupmangnon.org