Sáng 15.10, Hội Sân khấu TP.HCM đã tổ chức buổi triển lãm ảnh và tọa đàm về NSND Bảy Nam. Gần 100 bức ảnh quý và tư liệu báo chí về NSND Bảy Nam đã được trưng bày trong khuôn viên hội.
Rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đến tham dự buổi triển lãm và kể lại những kỷ niệm, những bài học đáng quý từ NSND Bảy Nam đáng kính.
Có thể thấy những gương mặt thân quen tại buổi triển lãm như các nghệ sĩ Minh Vương, Lệ Thủy, Thành Lộc, Hữu Châu, Thành Hội, Ái Như, Thanh Hằng, Lê Thiện, Kim Xuân, Tuyết Thu, Hữu Luận, Mỹ Chi, Minh Hạnh… cùng rất nhiều diễn viên trẻ thuộc thế hệ sau. Ai cũng trân trọng một tấm gương tài đức trong nghề, đến chia sẻ những điều mà họ yêu mến và tâm đắc.
|
Đầu tiên, NSND Kim Cương nhắc lại một đoạn đường gian khổ mà NSND Bảy Nam, chính là mẹ mình, phải trải qua từ những năm đầu thập niên 1930. Thời ấy, xã hội còn định kiến xướng ca vô loài, cho nên khi bà Bảy Nam bước theo con đường ca hát của chị mình là bà Năm Phỉ, thì gia đình cấm đoán và gần như cắt đứt. Nhưng bà Bảy Nam đã nhất quyết chọn sân khấu làm lẽ sống, vượt qua hết những khó khăn vất vả. Bà thường dạy Kim Cương: “Cải lương của mình, nghề hát của mình chính là cái đạo. Người nghệ sĩ phải ép lòng, hy sinh để giữ đạo, đừng làm gì xấu xa nhục nhã cho xã hội”. Và Kim Cương coi lời dạy của mẹ như kim chỉ nam để đứng trên sàn diễn suốt mấy mươi năm.
Một ‘tượng đài’ đáng kính của sân khấu
NSND Bảy Nam nổi tiếng là người yêu nghề, mê nghề và cực kỳ nghiêm túc suốt 70 năm đi hát. Chưa bao giờ bà đi trễ, chưa bao giờ bà không thuộc tuồng. Bà cũng không đòi Kim Cương mua một món nữ trang nào cho mình, mà chỉ đòi: “Con viết cái gì hay hay cho má diễn đi”. Có lần, bà chợt nói: “Con viết cho má vai người điên thử coi”, thế là Kim Cương chắp bút vở Về nguồn. Trong đó, bà Bảy Nam đóng điên nhưng rất tỉnh, một vai điên mà khán giả không phát hiện ra, một hồi mới bàng hoàng nhận diện.
|
Tiếp theo lời của NSND Kim Cương, nhiều nghệ sĩ đã kể lại những câu chuyện thú vị. NSƯT Thành Lộc nói: “Hồi ba tôi (NSND Thành Tôn) còn sống, chị Bạch Lê có lần nhận vai Đào Tam Xuân phần 2, là phần dễ khiến khán giả buồn ngủ vì chỉ có đứng, nói, và ca, không có hành động chi hết, nên Bạch Lê rầu rĩ. Ba tôi mới nói, hồi đó bà Bảy Nam cũng nhận vai này, vậy mà bà chiếm hết cảm tình người xem, không thua kém gì NSND Phùng Há đóng Đào Tam Xuân phần 1. Thế là chị Bạch Lê chạy lên nhà má Bảy Nam, thọ giáo với bà. Bà chẳng những trút hết gan ruột dạy cho chị Bạch Lê, lại còn tặng chị bộ đồ mà bà từng đóng Đào Tam Xuân. Khi qua Pháp, chị mang theo bộ đồ này và giữ suốt mấy chục năm đến nỗi mục rách luôn. Năm 2007, trong chương trình Gìn vàng giữ ngọc, chị tái diễn vai cũ, nhờ người may lại trang phục, nhưng bắt phải may đúng y bộ đồ của má Bảy, chính xác tới từng cái lông con thỏ mới chịu”. NSND Thành Tôn còn khen bà Bảy Nam đã biến vai Lý Nhu trong Phụng Nghi Đình từ một vai bình thường, nhỏ bé, trở thành một vai quá nhiều đất diễn, gây bất ngờ cho khán giả. Điều mà NSƯT Thành Lộc muốn nhấn mạnh là người nghệ sĩ dù nhận vai nhỏ nhưng nếu rèn nghề thật giỏi thì vẫn tỏa sáng.
NSƯT Hữu Châu kể một kỷ niệm khiến anh “hú hồn”. Hồi mới tốt nghiệp trường Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM (nay là Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM), Hữu Châu có đầu quân cho đoàn Kịch Kim Cương, và được giao vai Sang trong vở Lá sầu riêng. Má Bảy đưa cho anh đôi bông tai mù u là đạo cụ để diễn, mà anh làm rớt đâu mất tiêu. Thế là được má giảng cho một bài thật dài: “Đạo cụ là để tạo cảm xúc cho nghệ sĩ diễn tốt hơn. Đạo cụ cùng con đi kiếm cơm, con phải quý nó chứ…”. Hữu Châu toát mồ hôi không biết giờ tìm mua đôi bông ở đâu. Ai ngờ, má Bảy lấy một cái bọc, trút ra cả chục đôi bông mù u. Thì ra, bà vẫn luôn chuẩn bị một cách cẩn thận như vậy.
|
Đạo diễn Ái Như cũng tinh tế nhận ra bài học về “hành động sân khấu” của má Bảy trong vở Lá sầu riêng, lúc bà Tư chuẩn bị sang nhà bà hội đồng, lo lắng không biết may rủi thế nào, bà cứ mở cái áo dài ra xếp đi xếp lại, luống cuống, bồn chồn. Nghệ sĩ Kim Cương nói thêm, chính má bắt mọi người phải gói cái áo dài đó thật kỹ, để nếp gấp thật rõ, khi diễn người ta mới cảm nhận được bởi nhà nghèo nên cái áo này lâu lắm mới đem ra mặc. Một chút xíu chi tiết thôi chứng tỏ má Bảy cực kỳ tinh tế và chu đáo trong diễn xuất.
Trong khi đó, NSƯT Lê Thiện nhấn mạnh: “Đối với bà Bảy Nam thì không có “lý luận sân khấu” gì hết. Chúng ta từng học những ông thầy quốc tế, nhưng chúng ta quên rằng mình cũng có những người thầy tại Việt Nam rất giỏi như má Bảy Nam”. Và NSƯT Lê Thiện còn nhắc đến cái tâm thương người của má Bảy, khiến bà phải noi theo. Kim Cương lại bổ sung một chi tiết, khi má mất rồi, Kim Cương tìm thấy một xấp biên lai má ủng hộ các đơn vị từ thiện, nhưng không ghi tên má, mà ghi “bà Tư”, “dì Hai bán chè”… là những nhân vật mà má và Kim Cương từng đóng.
NSND Bảy Nam quả thật là một tượng đài của sân khấu, với tài đức vẹn toàn, một nhân cách công dân, một nhân cách nghệ sĩ không thể phủ nhận. Bà để lại những tác phẩm bất hủ, những nhân vật người mẹ mà xem bao nhiêu lần khán giả vẫn khóc bấy nhiêu…